Trang Chính   |   Tĩnh Niệm   |   Thánh Ca    |   Tình Ca   |    Sách Hay    |    Nối Kết    |    Liên Lạc

Trang Chính Tĩnh Niệm Thánh Ca Sách Hay Nối Kết Liên Lạc

Lời Mở Đầu


Không ai chối cãi rằng chức linh mục Công Giáo đang trong tình trạng khủng hoảng, nhưng nhiều người không đồng ý với những dự đoán thê thảm của một số người là chức linh mục mà chúng ta được biết đó đang đến hồi kết thúc. Cha Bill Bausch đã viết trong cuốn sách Này Cha, Hãy Can Đảm Lên[1] (xuất bản lần thứ 23 năm 1991) rằng những dấu chỉ này “tất thảy đều nhắm vào việc tái sinh, chứ không phải là hủy diệt. Và trong cuộc tái sinh này, chúng ta được chọn làm những bà đỡ.” Nhà thần học nổi tiếng Bernard Häring viết:

“Phải phân biệt giữa khủng hoảng như một biểu hiện suy đồi và khủng hoảng như một dấu hiệu tăng trưởng (hay một cơ hội cho phép một sự tăng trưởng mới). Mười năm sau Công Đồng Vatican II, một linh mục sinh ở Tây-Ban-Nha đã phục vụ ở Châu Mỹ La-tinh, dưới sự hướng dẫn của tôi, đã viết một luận án tiến sĩ về cơn khủng hoảng không thể chối cãi được trong đời linh mục. Cha đã kết luận rằng cơn khủng hoảng này rất có thể biến thành một sự khủng hoảng làm cho tăng trưởng, nếu sự huấn luyện và đời sống tâm linh của linh mục được hiểu và được khai triển theo khuôn khổ của Hiến Chế Mục Vụ Công Đồng Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hiện Đại[2] (Báo America số ra ngày 21/9/1996, trang 19)”

Ngôn ngữ Trung Hoa có một hướng đi tương tự. Cách viết chữ khủng hoảng là một kết hợp của hai chữ wei (nguy hiểm) và qi (hy vọng hay cơ hội) như dưới đây:

                                                                                                        




NGUY HIỂM       CƠ HỘI       

Cuộc khủng hoảng đang đối diện với chức linh mục có thể dẫn đến một trong hai hướng, và theo phán đoán của những nhân vật tuyệt diệu mà câu chuyện của họ được kể lại trong tập sách này, thì hình như sự thiếu thốn linh mục cống hiến cho chúng ta một cơ hội để tăng trưởng, để đổi thay, và đưa đến một bước nhảy vọt trong công cuộc mở mang vương quốc của Thiên Chúa.

Trong lần công kích của các bản tường trình tiêu cực về chức linh mục mới đây, ai đã có thể tiên đoán được kết quả sau cùng của hai cuộc thăm dò dư luận quốc gia năm 1994 –một của báo Los Angeles Times và một của Liên Đoàn Quốc Gia Của Các Hội Đồng Linh Mục[3]? Những cuộc thăm dò này trình bày một hình ảnh linh mục khác xa với những cuốn sách, những bài báo mô tả linh mục như những người bất đồng chính kiến với Giáo Hoàng, không thích các giám mục của mình, muốn lập gia đình và có khuynh hướng không muốn chọn đời sống linh mục nếu được chọn lại lần nữa.

Trong tháng 7 và tháng 9 năm 1994, cha Andrew Greely, một linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Chicago và là một giảng sư tại Đại Học Chicago và Đại Học Arizona, đã viết hai bài cho báo America rút từ những kết luận của hai cuộc thăm dò nêu trên (“Một Biển Cả của Những Nghịch Lý,” ngày 16/7/1994, trang 6, và “Để Bảo Vệ Đời Sống Độc Thân?” ngày 10/9/1994, trang 10). Linh mục Greely đã khám phá những kết quả trái ngược với hình ảnh thường được phác họa về linh mục Công Giáo Hoa-Kỳ. Đây là những kết luận của ngài:

1. Cuộc khủng hoảng luân lý trong đời linh mục đã được bàn luận nhiều, thực ra không hiện hữu.

– 70% nói rằng họ sẽ nhất quyết chọn lại đời linh mục;

– 20% nói có lẽ họ sẽ chọn như thế.

2. Độc thân hình như không phải là vấn đề giống như thường được giả thiết.

– Chỉ 4% nói họ sẽ nhất định lập gia đình nếu Giáo Hội cho phép.

3. Các linh mục thường thoả lòng với phẩm chất của công việc mà các ngài thi hành.

4. Phần đông các linh mục đánh giá cao sự lãnh đạo của Giáo Hội.

– 83% ủng hộ công việc Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đang làm;

– 71% ủng hộ công việc các giám mục của họ đang làm.

***

Chúng tôi, hai tác giả của tập sách này, một giáo sĩ và một giáo dân, tin rằng sẽ rất đáng công để khảo sát tỉ mỉ những điều mà các linh mục hạnh phúc nghĩ về ơn gọi của mình. Chúng tôi tin công việc như thế sẽ hữu ích đặc biệt cho những thanh niên đang suy nghĩ về ơn gọi làm linh mục, cũng như cho các bậc cha mẹ, linh mục, tu sĩ và tất cả những ai có thể nâng đỡ và ảnh hưởng trong những lựa chọn như vậy, cùng công nhận một lần nữa về các linh mục đã và đang làm việc trong vườn nho Chúa. Kết quả là cuốn sách Những Cuộc Sống Phi Thường này.

Để có được tập sách này, chúng tôi đã đi khắp mọi miền nước Mỹ, ra cả ngoài biên giới và phỏng vấn hơn 40 linh mục. Câu chuyện của các ngài rất hấp dẫn và phong phú, đến nỗi công việc thực hiện và ghi lại những cuộc phỏng vấn thật dễ dàng so với sự khổ sở mà chúng tôi trải nghiệm khi chỉ lựa lấy 34 câu chuyện và phải bớt đi khỏi bản thảo hơn 75,000 chữ trước khi xuất bản. Cuối cùng chúng tôi chọn các linh mục trong những địa hạt khác nhau –ở 16 tiểu bang, ở Hoa-Thịnh-Đốn, Canada và Tân-Tây-Lan; trong những thẩm quyền khác nhau –10 vị là thành viên của cộng đoàn dòng, 24 linh mục giáo phận[4]; trong các lứa tuổi khác nhau –16 vị chịu chức trước 1960,  những người khác từ sau 1960; và trong những mục vụ khác nhau –chánh xứ[5], phó xứ, giám mục, quản trị viên, chuyên viên, hoạt động viên xã hội, và các linh mục trước đây thuộc hệ phái Tân Giáo[6].

Bạn đọc nên thận trọng đừng vội cho rằng những gì được trình bày nơi đây là một cố gắng nào đấy nhằm định nghĩa chức linh mục hoặc thâm chí cho rằng đây là những gì mà một trong các linh mục sẽ viết nếu như ngài phải viết tiểu sử đời mình.

Để kích thích và thực hiện những cuộc phỏng vấn, chúng tôi đã soạn ra một loạt các câu hỏi với cố gắng bao trùm nhiều khía cạnh khác nhau của đời linh mục. Một số vị được phỏng vấn đã theo sát thứ tự các câu hỏi hơn các vị khác. Vì bản chất của các đề tài thảo luận và những nét tương đồng của cuộc sống và công việc của các linh mục, nên mới có một số chủ điểm cho tập sách. Chúng tôi quyết định chọn một chủ điểm nêu cao tính đa dạng của nhiệm vụ và năng lực cũng như sự mãn nguyện và niềm hân hoan được tìm thấy trong sứ vụ linh mục.

Những chuyện kể đôi khi gây ngạc nhiên, đôi khi là những gì chúng ta mong đợi, song chẳng bao giờ tầm thường cả. Đây thật là những chuyện phi thường do những con người tầm thường dấn thân vào những công việc thiết yếu và đầy thách đố, những câu chuyện biểu lộ khát vọng sâu xa và sự thoả lòng khi phục vụ Chúa Ki-tô qua việc phục vụ tha nhân.

Các suy nghĩ của những con người này vén mở bức màn che sứ vụ linh mục, đem lại cho tất cả chúng ta –giáo sĩ cũng như giáo dân– một cơ hội để nghe các linh mục phát biểu một cách thẳng thắn về cuộc đời của họ, cả những lúc thăng trầm. Chúng ta biết rằng nước thánh không chảy trong huyết quản của họ, và rằng họ, giống như tất cả chúng ta, đều đối diện cuộc sống với những nghi nan, những gian khó, lúc nản lòng, và rằng niềm hy vọng nơi Chúa Ki-tô nâng họ dậy mỗi ngày.

Có lẽ chúng ta tự hỏi tại sao những người đàn ông này lại có thể tình nguyện bước vào và tiếp tục một cuộc đời không có người vợ, vượt qua được cái ước muốn tự nhiên là có con cái nối dòng. Chúng ta cũng có thể hỏi cuộc sống độc thân liệu có thể mang lại những giá trị gì, liệu nó có phải là một hiểm họa đã lỗi thời cho các linh mục trong việc mang Chúa đến cho con người và mang con người đến với Chúa không. Mỗi một linh mục mà chúng tôi phỏng vấn đều đả động đến vấn đề một cách trực diện. Để tránh những lập đi lập lại không cần thiết, chúng tôi đã chọn không in tất cả mọi lời bình; thay vào đó, chúng tôi lựa ra những điều đặc trưng, hoặc những điều tô thêm một chiều kích khác cho chủ đề. Chúng tôi có thể báo cáo rằng không có một linh mục nào bày tỏ ước muốn lập gia đình ngay cả khi đòi hỏi đó được tháo gỡ, và rằng mỗi một linh mục đều nói cách này hay cách khác rằng đời sống độc thân có ý nghĩa nhiều hơn một đòi hỏi vu vơ nào khác. Cùng lúc đó, cái nhìn nội tâm của họ về tương lai của cuộc sống độc thân đều chín chắn và lôi cuốn.

 Ân sủng của Chúa Thánh Linh, lúc thì rõ ràng khi thì tiềm ẩn, luôn luôn tỏ hiện trong những câu chuyện này. Chúng ta kinh ngạc khi thấy những con người này có thể cởi mở và thổ lộ về những gì đang xảy ra trong thâm sâu nhất của con tim và tâm trí của các ngài. Những câu chuyện của họ thật cảm động và phấn khích, chan chứa đời sống tâm linh thiết thực.

Một trong các tiêu đề được đề nghị cho cuốn sách này là “Hãy Trèo Lên Cây.” Có một câu chuyện trong Tin Mừng Lu-ca kể về Gia-kêu, một tay thu thuế giàu có ở Giê-ri-cô, vì không thể nhìn thấy Chúa Giê-su bởi vóc dáng thấp bé của mình, nên đã trèo lên một cây sung để nhìn Chúa rõ hơn khi Ngài đi ngang qua. Mỗi một linh mục đều là một Gia-kêu. Linh mục là những con người với những tài năng khác nhau đã làm như lời của cha Francis J. Freeny là “leo lên một chiếc cầu quay đơn độc và bước lên một chiếc thang hẹp” để được xem thấy Chúa Giê-su một cách tường tận. Cuốn sách Những Cuộc Sống Phi Thường này trình bầy những thành quả về cuộc leo của họ.

Giả như không có ai đọc những mẩu chuyện này, chúng tôi vẫn nghĩ các nỗ lực của mình là đáng công lắm, dù chỉ là để được khai mở và tăng trưởng cho chính mình. Khi xuất bản những câu chuyện này, chúng tôi tin tưởng là bạn cũng sẽ đọc qua những cuộc đời tích cực của các linh mục đó, và những cơ hội đang được phô bầy bởi cuộc khủng hoảng trong chức linh mục Công Giáo.°

Đức Ông Francis P. Friedl

Tiến sĩ Rex V.E. Reynolds

__________________________

[1] Take Heart Father – Cuốn sách nổi tiếng của linh mục William J. Bausch được tái bản nhiều lần. Câu chuyện của cha Bausch được kể nơi trang 175

[2] Pastoral Constitution on the Church in the Modern World.

[3] National Federation of Priests’ Councils.

[4] Linh mục giáo phận – cũng quen gọi tắt là linh mục triều.

[5] Người miền Nam Việt Nam thường gọi là cha sở.

[6] Episcopal – cũng gọi là Trưởng Lão, một hệ phái Tin Lành, phát sinh từ Anh Giáo, với các nghi lễ và giáo lý rất gần với Công Giáo, kể cả việc kính Đức Mẹ và các thánh. Hệ phái này phong chức linh mục cho phụ nữ lần đầu tiên năm 1944, nhưng mãi đến 1997 mới có văn kiện chính thức; phụ nữ đầu tiên được phong giám mục năm 2006 là Katharine Jefferts Schori.

    

Trở lại Mục Lục